Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Ứng phó với chứng sạm da, rám má

Sau một mùa hè nóng bỏng rát, làn da của ai cũng sẫm màu hơn. Nhưng bỗng hôm bạn soi gương kỹ hơn rồi phát hiện da mình bị sạm và rám nhiều hơn trên mặt thì không nên chủ quan và cần hiểu đúng tình trạng da để đối phó.

Bình thường ở lớp đáy (lớp sâu nhất của thượng bì) có những tế bào chuyên sản xuất sắc tố da gọi là tế bào melanin, làm cho da có màu đặc biệt: trắng, vàng hung hoặc đen, tùy từng người, từng dân tộc. Sắc tố melanin (còn gọi là hắc tố) rất cần thiết cho da, nhất là trong chức năng bảo vệ chống lại tác hại của bức xạ mặt trời, đặc biệt là tia cực tím. Trường hợp bệnh lý, ở người da trắng hoặc da vàng nếu vì nguyên nhân nào đó, sắc tố melanin được sản xuất quá nhiều hoặc phân bố không đều trên da, sẽ gây thành chứng sạm da (danh từ y học gọi là melanodermie).

Sạm da, rám má vì sao?

Sạm da rám má xảy ra nguyên nhân trước tiên do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tia cực tím tác động vào da để lại những vết thâm sạm. Cũng có trường hợp kết hợp cả nguyên nhân do dùng mỹ phẩm. Phần lớn bệnh nhân đã dùng nhiều loại kem và sữa rửa mặt, (kem sâm, UB, Fa, Topgel, Biore...) có những loại mỹ phẩm rất tốt đắt tiền nhưng đối với người có cơ địa dị ứng (không hợp) vẫn có thể bị viêm da dị ứng sau thành nhiễm sắc, sạm da. Nhất là ở nước ta, với khí hậu nhiệt đới, nhiều nắng, các kem phấn có mùi thơm rất dễ gây cảm ứng với ánh sang (cảm quang) gây viêm da nhiễm sắc.

Sạm da chủ yếu do nguyên nhân ngoại cảnh, tác dụng kích thích hoặc gây dị ứng của hóa chất, kết hợp tình trạng cảm ứng với ánh sáng của cơ địa bệnh nhân gây nên sạm da, rám má. Bệnh này thường gặp ở công nhân cơ khí, sửa chữa ô tô... tiếp xúc dầu mỡ, xăng dầu, hoặc ở công nhân hầm mỏ tiếp xúc than đá, công nhân giao thông tiếp xúc với nhựa đường, làm việc nhiều dưới nắng.

Trong sinh hoạt hàng ngày cũng có trường hợp viêm da tiếp xúc sau đó để lại sẫm màu (ví dụ viêm da dị ứng do tai nghe điện thoại, để lại vết sẫm màu quanh vành tai, viêm da tiếp xúc qua dây đeo đồng hồ mạ kền để lại vết sạm da quanh cổ tay...). Loại sạm da này cũng còn có thể gặp trong trường hợp bôi thuốc không thích hợp ở vùng da mỏng như da mặt, da bụng, phía trong đùi, cẳng tay, thông thường nhất là do các thuốc như ASA, BSI, mỡ crisofanic...

Dấu hiệu nhận biết sạm da, rám má

Sạm da khu trú ở từng vùng, nổi thành đám màu nâu sẫm, hoặc đen ngả tím, kèm theo cảm giác ngứa râm ran. Rõ nhất ở vùng da mỏng, ở phần da hở, chỗ hay đọng mồ hôi: má, trán, thái dương, quanh hốc mắt, mặt trong các chi, bụng dưới, quanh thắt lưng. Ở vùng căng tay, đùi, có thể có những sẩn mủ, hạt đen bám vào lỗ chân lông (gọi là nụ dầu). Loại này thuộc nhóm bệnh nghề nghiệp.

Sạm da khu trú ở mặt (còn gọi là rám má) thành vết sẫm màu ở hai má, theo hình cánh bướm, có khi cả ở trán, thái dương, mép. Ngứa ít hoặc nhiều, có trường hợp qua một giai đoạn hơi đỏ.

Sạm da lan tỏa, rải rác nhiều nơi hoặc toàn thân đậm hoặc nhạt, có khi sạm cả ở niêm mạc miệng, sinh dục, kèm theo nhiều dấu hiệu toàn thân khác. Loại sạm da này có liên quan tới yếu tố nội tạng, nội tiết, thần kinh, nhất là rối loạn chức năng gan thận, tuyến yên. Một điều đặc biệt là loại sạm da này hoàn toàn không qua giai đoạn đỏ, ngứa. Muốn chẩn đoán chính xác bệnh này cần được thầy thuốc chuyên khoa, nhất là nội khoa khám xét toàn diện, nhiều khi phải dựa vào một số xét nghiệm đặc biệt là sinh hóa, miễn dịch. Bệnh nhân không nên vội vàng nghĩ ngay đến những bệnh lớn lao như ung thư, lao... sinh ra bi quan lo lắng, “vái bốn phương” không thích hợp chỉ gây thêm tác hại, tốn kém.

Phòng ngừa thế nào?

Để phòng ngừa sạm da, rám má hiệu quả, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với hóa chất gây độc cho da, bôi kem chống nắng bảo vệ da, đội mũ rộng vành và trang bị bảo hộ khi đi đường hoặc làm việc ngoài trời. Không nên lạm dụng kem phấn, không nên tùy tiện nay bôi loại này, mai bôi loại khác, dễ gây các phản ứng hóa học trên da, gây sạm da, rám má. Không nên dùng nhiều xà phòng, chanh, phèn chua, nước muối... ở da mặt, dễ tăng cảm ứng với ánh sáng, làm sạm da. Không nên đến những cơ sở không đáng tin cậy (thậm chí cả ở cửa hàng làm đầu) để “lột da” mất khá nhiều tiền mà sau đó hai má thêm đen sạm.

Những điều cần tránh khi bị sạm da

Tuyệt đối không bôi thuốc hoặc mỹ phẩm cho dù thuốc hoặc mỹ phẩm đó đã được kiểm nghiệm qua một số người sử dụng mà không bị dị ứng hay bị tác dụng phụ nào.

Cẩn thận trong việc ăn uống: có những thức ăn làm sung huyết trên da, do đó sẽ làm các vết nám trở nên trầm trọng hơn. Cần tránh rượu, bia và các gia vị gây nóng. Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, chơi thể thao đều đặn và tránh nắng.

Ðối với sạm da, rám má do thuốc, mỹ phẩm, do rám nắng lâu ngày thì không mấy hiệu nghiệm. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn phòng chống thì dần dần những vết nám sẽ nhạt dần và biến mất. Tuyệt đối không dùng những loại mỹ phẩm, thuốc trị nám trên bao bì sản phẩm không ghi thành phần. Vô số người bị nám vĩnh viễn vì đã dùng qua các kem chứa corticoid như topsyne, cortibion, celestoderme, topgene, betamethasone, synalar, valisone, flucinar... như là mỹ phẩm thoa mặt. Kết quả là da mặt bị teo, dẫn tới rối loạn dinh dưỡng, mất sức đề kháng khiến da bị nám, sạm da.

BS. Xuân Dung

0 nhận xét:

Đăng nhận xét